CHI TIẾT VỀ 6 NHÓM SỞ THÍCH NGHỀ NGHIỆP THEO HOLLAND

Ở bài viết này, chúng tôi muốn được giới thiệu và chia sẻ chi tiết hơn về từng nhóm trong 6 nhóm Sở thích nghề nghiệp theo Lý thuyết mật mã Holland. Theo học thuyết thì mỗi người chúng ta có thể thuộc vào 1, 2, 3 (hay nhiều hơn) nhóm sở thích và khả năng. Khi biết bản thân thuộc về nhóm nào, chúng ta sẽ từ từ tìm hiểu, trải nghiệm, xác định được những kỹ năng mình giỏi tự nhiên, rồi từ đó quyết định con đường nghề nghiệp nào mình nên theo đuổi trong tương lai.

Các bạn sau khi đã làm trắc nghiệm và biết mình thuộc nhóm Holand nào, hãy kéo xuống nhóm đó và đọc thật kỹ để hiểu hơn về bản thân nhé!

Nội Dung

Nhóm Quản lý – Những nhà lãnh đạo mạnh mẽ và quyết đoán trong tương lai

Hướng nghiệp cho con thuộc nhóm Quản lý

Lời tôi thường nghe nhất từ các học sinh lớp 12 và quý cha mẹ là, ‘Học ngành thương mại (hay kinh tế) để đảm bảo sau này có việc làm,’ và lý do mà họ đưa ra là ‘Ở thời đại này, nơi nào cũng cần người tốt nghiệp nhóm ngành kinh doanh. Quan điểm trên có lúc đúng và có lúc sai. Hôm nay, tôi viết phần này để chia sẻ với các bạn và quý cha mẹ từ góc nhìn của một người làm hướng nghiệp những điều sau:

  • Nhóm Quản lý có các đặc điểm gì?
  • Những người thuộc nhóm Quản lý phù hợp với các ngành học và công việc gì?
  • Có phải tất cả các ngành liên quan đến kinh tế và thương mại đều phù hợp với nhóm Quản lý hay không?
  • Có phải cứ học nhóm ngành kinh tế và thương mại là sẽ đảm bảo có việc làm sau khi hoàn tất việc học hay không?

Nhóm Quản lý – họ là ai?

Theo học thuyết Holland, các bạn trẻ thuộc nhóm Quản lý có những đặc điểm như sau:

  • Họ thích và có khả năng lãnh đạo và thuyết phục người khác (bạn bè đồng lứa) làm theo mình.
  • Họ thích buôn bán, kinh doanh (hàng hóa và ý tưởng) từ nhỏ.
  • Họ không yêu thích các hoạt động hay môn học đòi hỏi sự quan sát kỹ càng, nghiên cứu và phân tích.
  • Trong một nhóm người, khi cần người đứng ra lãnh đạo, họ sẽ không ngần ngại là người lên tiếng dù cho họ chưa biết hết việc cần làm hay chưa có đủ khả năng cho công việc ấy.
  • Họ thích và có khả năng lấy được sự tin phục của bạn đồng lứa, thành viên gia đình, hay người xung quanh.
  • Họ có khả năng ra quyết định, thường là người quyết đoán, và ít có nhu cầu suy nghĩ quá kỹ khi trước khi làm một việc gì đó.
  • Họ xem trọng sự thành công trong những vai trò quản lý lớp/nhóm. Họ thích nghĩ đến việc kiếm nhiều tiền.
  • Họ thường là người năng động, có tham vọng, và giao tiếp tốt.
Nhóm quản lý - Những nhà lãnh đạo trong tương lai
Nhóm quản lý – Những nhà lãnh đạo trong tương lai

Những người thuộc nhóm Quản lý phù hợp với các ngành học và công việc gì?

Từ khi còn rất nhỏ, các bạn có sở thích nghề nghiệp thuộc nhóm Quản lý đã tỏ ý thích về việc kiếm nhiều tiền trong tương lai, giữ các vị trí quan trọng trong công ty, hay trở thành người thành công được nhiều người biết đến.

Các bạn nhỏ thuộc nhóm này chưa bao giờ ngại ngần nói ‘không’ với cha mẹ, lanh lẹ trong việc giao tiếp với người khác, thường biết mình muốn gì, không ưa bị ép làm điều họ không thích, và khá giỏi trong việc thuyết phục cha mẹ theo ý mình.

Theo nghiên cứu của công ty ACT (American College Testing) tại Mỹ, người có nhóm Quản lý phù hợp với những công việc liên quan đến ‘quản trị và quản lý trong doanh nghiệp tư nhân, marketing và bán hàng, các dịch vụ liên quan đến tuyển dụng, các vị trí quản trị và quản lý trong cơ quan nhà nước, trường học.’

Do đó, các ngành học nào liên quan đến quản trị doanh nghiệp, quản lý nhân sự, marketing, bán hàng, quản lý công, quản trị giáo dục đều phù hợp. Cụ thể hơn, bất cứ ngành học nào đòi hỏi khả năng làm việc với con người, sở thích về quản trị, quản lý, lãnh đạo con người, khả năng học thương mại, kinh tế, kinh doanh, chính trị, đều phù hợp.

Tuy nhiên, cần phải để ý là nhóm Quản lý rất không thích và không giỏi tự nhiên khi phải chú ý đến chi tiết, sự ngăn nắp, sắp xếp nên trừ khi họ cũng thuộc nhóm Nghiệp vụ, họ sẽ không học tốt các ngành học đòi hỏi kiến thức và kỹ năng chi tiết, số liệu, sắp xếp, phân tích nhiều.

Có phải tất cả các ngành liên quan đến kinh tế và thương mại đều phù hợp với nhóm Quản lý hay không?

Như đã nói ở trên, trừ khi cũng có những đặc điểm thuộc nhóm Nghiệp vụ (sẽ nhắc đến trong phần sau), các bạn nhóm Quản lý không phù hợp với các ngành liên quan đến kinh tế hay thương mại mà đòi hỏi kỹ năng để ý chi tiết, kỹ năng phân tích và làm việc với dữ liệu, kỹ năng sắp xếp và ngăn nắp như Kế toán, Kiểm toán, Tài chính, Ngân hàng, v.v.

Bên cạnh đó, tùy thuộc vào nhóm thứ hai hay thứ ba của họ, sẽ có nhiều bạn thuộc nhóm Quản lý thích làm việc trong các lĩnh vực như chính trị, giáo dục, kỹ thuật, nghệ thuật ở vị trí quản trị, quản lý, bán hàng, khởi nghiệp, v.v. Do đó, họ có thể chọn ngành học ở bậc Cao học, hay học ngành thứ hai, hay tham gia các hoạt động bên ngoài để thỏa mãn sở thích và khả năng khác của họ.

Có phải cứ học nhóm ngành kinh tế và thương mại là sẽ đảm bảo có việc làm sau khi hoàn tất việc học hay không?

Trước khi trả lời, tôi xin đặt vài câu hỏi sau cho các em và quý phụ huynh cùng phân tích:

  • Với một người không thích xã giao, không ưa bán hàng/ý tưởng, không giỏi thuyết phục người khác, không nhạy trong các môn học kinh tế, họ có thể học tốt ngành đòi hỏi những kỹ năng trên không?
  • Nếu không học tốt được những ngành này, điều gì sẽ xảy ra suốt thời gian học của họ? Có phải là họ sẽ tốn nhiều thời gian để học hơn, điểm cũng thấp hơn, tự tin xuống dốc, động lực đi học cũng thấp đi, không thấy hợp với bạn đồng học, và luôn cảm giác mình không bằng bạn bè trong lớp?
  • Nếu câu trả lời cho câu hỏi thứ hai là ‘có’, thì khi tốt nghiệp, nộp đơn tìm việc làm, các bạn này có thể nổi bật trong quá trình phỏng vấn tuyển dụng, có thể nổi bật trong công việc liên quan đến ngành họ đã học không?

Ý của tôi là, dù một ngành nghe tên có hấp dẫn đến đâu, hiện đang tuyển dụng nhiều đến đâu, mà người học nó không có khả năng tự nhiên để học tốt, không thích để tìm tòi khám phá thêm, không xây dựng được mạng lưới bạn bè trong lúc học, thì sẽ rất khó để họ tìm một công việc phù hợp sau khi hoàn tất việc học.

Lời kết

Với xã hội thời hiện đại được xây dựng quanh lĩnh vực thương mại và kinh doanh, tôi nghĩ sẽ rất hữu dụng cho bất cứ một người trẻ nào để học thêm kiến thức của nhóm ngành này. Tuy nhiên, nếu không phù hợp, chỉ nên là ‘học thêm’ chứ không nên là học chính. Học thêm ở đây là lấy một, hai, hoặc ba lớp về tài chính, kế toán, kinh tế vĩ mô/vi mô để có kiến thức thực tiễn khi ra đời, đặc biệt cho các bạn nhóm Xã hội hay Nghệ thuật.

Nhưng khi cha mẹ nói, ‘học xong Cử nhân Thương mại (hay Marketing, hay Quản trị kinh doanh) rồi học ngành con thích sau,’ thì tôi sẽ rất lo lắng (trừ khi các bạn trẻ ấy có nhóm Quản lý trong hai nhóm cao nhất của họ) vì khả năng học tốt, học giỏi, và ra trường đúng hạn sẽ rất khó cho những người không phù hợp với nhóm ngành thương mại và kinh doanh.

Nét đẹp của những người “nguyên tắc” – Nhóm Nghiệp vụ

Hướng nghiệp cho con thuộc nhóm Nghiệp vụ

Trong công việc, khi làm một dự án, nếu điều kiện cho phép tôi luôn cố gắng tìm kiếm đồng đội có sở thích nghề nghiệp thuộc nhóm Nghiệp vụ. Lý do là vì khi chúng tôi hợp tác, tôi có thể toàn tâm toàn ý tập trung vào chuyên môn và giao tất cả những trách nhiệm khác cho họ mà không hề lo lắng một chút xíu nào.

Kết quả của sự hợp tác phần lớn là mỹ mãn. Họ cũng thích làm việc chung với tôi vì tôi biết cách giúp họ giảm căng thẳng, tăng nụ cười trong lúc làm việc và chấp nhận ‘tụi mình không cần hoàn hảo; quá trình quan trọng hơn kết quả’.

Khi cùng bạn bè đi chơi xa hay tổ chức tiệc tùng, tôi thường tìm đến thành viên nào thuộc nhóm Nghiệp vụ để hỏi ý kiến của họ khi lên kế hoạch, hoặc nếu họ đồng ý thì nhờ họ lên kế hoạch giúp. Chắc chắn chuyến đi hay buổi tiệc sẽ được chuẩn bị rất chu đáo. Điều cần chú ý là khi đã nhờ họ thì sau đó tôi và tất cả những thành viên khác phải tuân thủ theo kế hoạch họ đã vạch ra.

Nếu chúng tôi muốn có góp ý thì phải nói lên ý tưởng mình trong giai đoạn lên kế hoạch. Khi đã đồng ý với kế hoạch họ đặt ra mà sau đó nổi hứng muốn thay đổi thì mâu thuẫn chắc chắn sẽ xảy ra, và đáng tiếc nhất là sau này sẽ không bao giờ nhờ được thành viên này giúp tổ chức các sự kiện khác nữa.

Trong phần này, tôi muốn chia sẻ về nhóm người có sở thích nghề nghiệp thuộc nhóm Nghiệp vụ, là những người cống hiến rất nhiều trong công việc và đời sống cá nhân nhưng thường ít khi được công nhận do sự trầm lặng của cá tính cũng như ở cách họ đóng góp. Hy vọng sau khi đọc bài viết này, các bạn thuộc nhóm này hay quý cha mẹ nếu có con thuộc nhóm này sẽ hiểu các em hơn để giúp họ hướng nghiệp hiệu quả.

Nhóm Nghiệp vụ – Họ là ai?

  • Quý cha mẹ nào có con thuộc nhóm này thì ngay từ nhỏ đã không cần lo lắng gì nhiều về các em. Họ tự xếp đồ chơi sau khi chơi xong, đòi hỏi bạn chơi chung cũng ngăn nắp như mình. Họ gọn gàng, sạch sẽ, đúng giờ hầu hết thời gian. Khi đến tuổi đi học, họ tự làm bài tập mà không cần cha mẹ đôn đốc hay nhắc nhở. Họ là những người con và học trò rất có trách nhiệm.
  • Lớn lên một chút, các em sẽ bộc lộ sở thích và khả năng thuộc nhóm Nghiệp vụ qua sự nhạy bén với con số, cách tiêu tiền cẩn thận, khả năng để ý đến chi tiết, sự tỉ mỉ trong thói quen hàng ngày.
  • Trong lớp hay với bạn bè, các em thường được tin tưởng để giao các trách nhiệm liên quan đến sổ sách, giấy tờ, quỹ lớp, tổ chức sự kiện, v.v.
  • Vì những đặc điểm trên, các em dễ bị căng thẳng khi có những thay đổi xảy ra ở phút cuối, khi mọi sự không xảy ra như các em dự tính, khi kết quả không được ‘hoàn hảo’. Trong gia đình, các em rất khó chịu khi ba mẹ ra một quyết định gì đấy theo sự hứng thú bất ngờ (ví dụ như sáng dậy cả nhà quyết định đi Vũng Tàu chơi). Các em cảm thấy an toàn và thoải mái khi tất cả trong tầm kiểm soát của bản thân.

Những người thuộc nhóm Nghiệp vụ phù hợp với các ngành học và công việc nào?

Các em có sở thích nghề nghiệp thuộc nhóm Nghiệp vụ rất hợp với các ngành học liên quan đến vận hành kinh doanh bao gồm truyền thông và hồ sơ, các giao dịch tài chính, phân phối và điều phối.

Nói chung bất cứ ngành nào đòi hỏi sự nhạy bén với con số (không phải để phân tích mà là để sắp xếp), khả năng để ý chi tiết, sự ngăn nắp, gọn gàng một cách tự nhiên không cần cố gắng, khả năng sắp xếp công việc, thời gian, trách nhiệm, khả năng thiết lập và tuân thủ các quy trình, làm việc theo hệ thống, v.v. sẽ hợp với nhóm này. Một số ngành ví dụ đó là Kế toán, Kiểm toán, Thuế, Cung ứng & Logistics, Quản lý sự kiện, Quản thủ thư viện, Thủ kho, và nhiều ngành khác.

Sau khi tham gia chương trình đào tạo ở cấp nghề, cao đẳng, hay đại học, các em có thể đầu quân vào những lĩnh vực khác nhau để làm việc, từ showbiz (giải trí) đến giáo dục, từ sản xuất đến dịch vụ quảng cáo. Điều quan trọng là vị trí các em làm phải đòi hỏi những kỹ năng và đặc điểm đã nhắc tới ở trên. Chủ ý là các em sẽ làm việc với dữ liệu là chính dù có tương tác với sự vật, máy móc, và con người trong quá trình làm việc.

Nhóm Nghiệp vụ và khối ngành Kinh doanh

Không phải ngành học hay công việc nào thuộc khối ngành kinh doanh cũng sẽ hợp với nhóm này. Xin lưu ý là các em có sở thích nghề nghiệp thuộc nhóm Nghiệp vụ (mà không có thêm nhóm Quản lý hay Xã hội) thì không nên học ngành đòi hỏi làm việc chủ yếu với con người. Điều này sẽ làm các em mệt vì con người luôn luôn thay đổi, mà các em thì rất ghét sự thay đổi và không đoán trước được.

Do đó, các ngành học hay công việc nào liên quan đến việc vận hành một công ty sẽ hợp với các em. Ví dụ, ngành Nhân sự có hai nhánh. Một nhánh chủ yếu làm việc với con người như tuyển dụng, đào tạo, phát triển, v.v. trong khi nhóm còn lại chủ yếu làm việc với lương bổng, bảo hiểm, chính sách đãi ngộ, tổ chức sự kiện liên quan đến nhân sự, v.v. Nhánh thứ hai của ngành Nhân sự hợp với các em Nghiệp vụ trong khi nhóm một thì hoàn toàn không phù hợp.

Tôi sẽ luôn luôn viết câu này đến quý cha mẹ và các em, ‘Đừng chỉ đọc tên ngành khi tìm hiểu và quyết định chọn ngành học; hãy đọc những đặc điểm, kỹ năng và kiến thức sẽ đào tạo bên trong nội dung chương trình thật kỹ’.

Định kiến về giới tính

Thông thường cha mẹ hay khuyên con gái theo ngành học hay công việc thuộc nhóm Nghiệp vụ vì sự ‘an toàn, ổn định, ít đấu đá’ trong ngành. Nhưng hãy cẩn thận vì nếu không có những tố chất và khả năng tự nhiên, làm việc trong ngành này sẽ tạo ra rất nhiều căng thẳng cho các em. Ngay cả những người hợp tự nhiên cũng đã dễ bị căng thẳng vì đòi hỏi của công việc chứ đừng nói đến những người hoàn toàn không hợp với nó.

Nam hay nữ nếu như hợp ngành này đều sẽ phát triển rất tốt và có nhiều cơ hội thăng tiến nếu thích đi theo con đường trở thành quản lý trong nơi họ làm việc. Vì vậy, xin quý cha mẹ đừng hướng con theo kết quả vì nếu không hợp thì sẽ khó đạt được kết quả tích cực.

Nhóm Nghiệp vụ - 6 nhóm Sở thích nghề nghiệp Holland
Nhóm Nghiệp vụ – 6 nhóm Sở thích nghề nghiệp Holland

Kết luận

Như đã nói ở trên, các em có sở thích nghề nghiệp thuộc nhóm Nghiệp vụ hay căng thẳng. Do đó, giúp họ nhẹ nhàng trong suy nghĩ và hành động sẽ là điều tốt nhất cha mẹ có thể giúp các em. Ví dụ như khuyến khích họ dành một ngày trong tuần không lên kế hoạch, sống tự nhiên, không ngăn nắp thử xem sao. Hoặc có thể giúp họ đổi cách suy nghĩ ‘phải hoàn hảo trong mọi chuyện’ thành ‘tốt nhất có thể trong giới hạn của hiện tại’ cũng sẽ rất có ích với họ.

Hãy cảm thông cho những đứa con sáng tạo – Hướng nghiệp cho các bạn thuộc nhóm Nghệ thuật

Hướng nghiệp cho con thuộc nhóm Nghệ thuật

Trong những năm làm tư vấn hướng nghiệp cho các em và gia đình, tôi thường xuyên gặp các em có sở thích nghề nghiệp thuộc nhóm Nghệ thuật nhưng bị cha mẹ ép hay hướng đi học một ngành khác vì lý do ổn định, an toàn, dễ tìm việc, hay theo truyền thống gia đình.

Kết quả của những quyết định nghề nghiệp này thường rất tiêu cực cho bản thân các em cũng như gia đình. Với mong ước giải thích đến các bậc cha mẹ những đặc điểm của các em thuộc nhóm sở thích và khả năng nghệ thuật, vì sao không nên hoảng sợ khi con cái mình thích những ngành nghề có đặc điểm của nhóm này, làm cách nào giúp các em nuôi dưỡng ưu điểm tự nhiên mà vẫn chuẩn bị sẵn sàng cho một công việc thực tế trong tương lai nhằm mục tiêu tự lập về tài chính.

Mục này không trực tiếp trả lời câu hỏi ‘người thuộc nhóm ngành này nên học gì và sẽ làm công việc gì trong tương lai?’

Nhóm Nghệ thuật – họ là ai?

Theo học thuyết Holland, những người có sở thích nghề nghiệp nhóm người Nghệ thuật có đặc điểm như sau:

  • Họ thích sự tự do trong mọi chuyện. Họ không thể chịu đựng được sự gò ép hay phải theo khuôn khổ
  • Họ có trí tưởng tượng khá phong phú, có trực giác mạnh, và có khả năng sáng tạo
  • Họ yêu thích cái đẹp và dễ bị hấp dẫn bởi cái đẹp (thiên nhiên, con người, đồ vật v.v.)
  • Họ có một hay nhiều khả năng trong nhóm sau: khiếu thẩm mỹ, ăn mặc đẹp, phối màu, vẽ, viết, nhảy, hát, chụp hình, quay phim, chơi một nhạc cụ, thẩm âm v.v.
  • Họ không thích giống người khác và luôn thích làm sao để mình khác người xung quanh

Nếu một bạn trẻ từ rất nhỏ đã cho thấy các đặc điểm trên cũng như có lòng yêu thích các môn học và hoạt động liên quan đến mảng sáng tạo và nghệ thuật; các em dù có thể học những môn khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội tốt nhưng không mấy hứng thú với chúng lắm; với các em này, yếu tố giúp họ có động lực học và tự tin nhất vẫn là những môn học liên quan đến sự sáng tạo và cái đẹp.

Tất cả những điều tôi vừa kể ra cho thấy em thực sự thuộc về nhóm Nghệ thuật. Trong những trường hợp này, cha mẹ nên cho phép em phát triển tự nhiên theo năng khiếu của mình.

Như đã nói ở trên, người thuộc nhóm Nghệ thuật vẫn có thể có những nhóm khác trong năm nhóm còn lại, và đặc điểm của nhóm còn lại này sẽ ảnh hưởng đến khả năng và sở thích của họ. Nhưng chính yếu thì ngành đào tạo và nghề nghiệp họ phù hợp phải có những đặc điểm ‘sáng tạo, liên quan đến cái đẹp, không gò bó, sử dụng trực giác, v.v.

Nỗi sợ từ đâu đến?

Khi cha mẹ cảm thấy lo lắng khi thấy con có những thiên hướng thuộc về nhóm Nghệ thuật, câu hỏi đầu tiên tôi đề nghị họ tự hỏi mình là, ‘Vì sao mình sợ đến như vậy? Vì sao mình không muốn con theo hướng nghề nghiệp này? Từ đâu mình định ra ý tưởng ấy?’ Câu trả lời thường là, ‘Vì theo những kinh nghiệm tôi thấy và đã trải qua thì nhóm ngành nghề này không tốt cho tương lai của con tôi.’

Đúng vậy, chúng ta trong vai trò làm cha làm mẹ thường hay nuôi dạy con, hướng dẫn con, hướng nghiệp con theo kinh nghiệm của bản thân mình. Điều này không có gì sai trái cả. Có điều ở thời đại hiện tại, thị trường lao động hôm nay và ngày mai thay đổi đến chóng mặt. Và những gì các bậc cha mẹ cho rằng ‘đúng’ trong thế hệ của bản thân chưa chắc vẫn còn là ‘đúng’ cho thế hệ con mình.

Như một câu thơ cổ đã viết, ‘Con cái là con cái của tương lai.’ Do đó, tôi xin trình bày cho quý cha mẹ thấy vì sao nỗi lo sợ của các anh chị đang không còn phù hợp nữa.

Tùy vào sự kết hợp giữa các nhóm sở thích và khả năng mà các em sẽ chọn những ngành học khác nhau. Với nhóm Nghệ thuật làm chủ đạo, các em có thể sẽ phù hợp từ ngành học Thiết kế đồ họa cho đến Ngoại ngữ, Thanh nhạc cho đến Kinh doanh thời trang. Dù các ngành học ngày khác nhau, nhưng nhóm ngành Nghệ thuật vẫn nổi bật nhất trong việc giúp các em rèn luyện các kỹ năng tuyển dụng sau:

  • Kỹ năng thiết kế trên giấy hay trên máy vi tính
  • Kỹ năng tưởng tượng và sáng tạo, không đi theo lối mòn, suy nghĩ không hạn hẹp
  • Kỹ năng nhạy cảm với cái đẹp, với màu sắc, với sự hài hòa trong đồ vật, không gian, hay nơi chốn
  • Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt ý tưởng của mình chính xác
  • Kỹ năng sử dụng hình ảnh và công nghệ thông tin để chuyển tải những nội dung cần chuyển tải đến người khác

Bên cạnh những kỹ năng trên, tùy vào các ngành chuyên môn các em chọn mà các em sẽ rèn luyện được những kỹ năng tuyển dụng khác nữa. Nếu ta nhìn vào thị trường lao động với các lĩnh vực khác nhau đang cần nhân lực, thì ta sẽ thấy ngành quảng cáo đang phát triển mạnh và nhanh chóng. Nhân lực trong ngành quảng cáo cần những yếu tố, điểm mạnh, và kỹ năng mà các em có sở thích và khả năng thuộc nhóm Nghệ thuật có (nếu được trau dồi, đào tạo, và phát triển theo tự nhiên).

Vì vậy, nỗi lo rằng những bạn trẻ thuộc nhóm Nghệ thuật trong tương lai không tìm được vị trí trong xã hội, không tìm được công việc, hay không tự lập được tài chính hoàn toàn không còn thực tế nữa.

Nhóm Nghệ thuật - 6 nhóm Sở thích nghề nghiệp Holland
Nhóm Nghệ thuật – 6 nhóm Sở thích nghề nghiệp Holland

Nuôi dưỡng theo sở thích và khả năng tự nhiên

Thay vì làm theo nỗi lo sợ thiếu thực tế trên, thay vì ép con theo ngành học mà quý cha mẹ nghĩ rằng sẽ an toàn, ổn định, giúp các em tìm được việc làm trong tương lai, thì quý cha mẹ nên:

  • Giúp các em nuôi dưỡng ưu điểm tự nhiên của chúng từ sớm bằng cách để chúng phát triển tự nhiên, cho phép học thêm những môn chúng thích (ví dụ như Văn, Nhạc, Hoạ, v.v.), không ép chúng phải giỏi các môn chúng không giỏi tự nhiên (ví dụ như Toán, Lý, v.v.), cùng các em tìm hiểu lĩnh vực chúng yêu thích, dành thời gian tham gia các hoạt động các em thích, quan sát và cùng các em chiêm nghiệm xem các em thật sự có thích và giỏi gì, nếu các em thay đổi thì cứ cho phép các em thay đổi vì bên trong nhóm ngành này có rất nhiều nhóm nhỏ khác mà chỉ khi có trải nghiệm đủ các em mới biết điểm mạnh thật sự của mình là gì.
  • Cùng các em tìm hiểu, nghiên cứu, đọc sách, xem phim, để hiểu hơn về lĩnh vực các em thích và những nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực ấy trong thị trường lao động hiện tại. Cập nhật thông tin thường xuyên, thảo luận cùng các em để các em thực tiễn trong sở thích của mình.
  • Khuyến khích các em xây dựng kỹ năng sống và những kỹ năng mà bất cứ một công dân chuyên nghiệp nào cũng cần trong môi trường làm việc hiện đại, bao gồm kỹ năng giao tiếp với người lạ, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng dùng một ngoại ngữ ngoài tiếng Việt, kỹ năng suy nghĩ tư duy, kỹ năng dùng các thiết bị công nghệ thông tin một cách cân bằng cho cuộc sống, v.v.

Lý do là vì chỉ cần một người hiểu rõ bản thân, được phát triển theo tự nhiên, được rèn luyện các kỹ năng sống từ sớm, luôn cập nhật thông tin về thị trường lao động, thì họ sẽ tự tin và vững vàng trên con đường đi tìm một nghề nghiệp phù hợp và mang lại hạnh phúc cũng như khả năng tự lập tài chính cho mình. Cha mẹ không cần phải quyết định giùm họ, không thể học giúp họ và càng không nên tìm việc cho họ.

Kết

Để hết bài viết này, tôi xin mượn một lời của một cựu sinh viên ngành Thiết kế khi trò chuyện với em gái mình đã nói: “Những gì ba mẹ có thể làm lúc này, chỉ là giúp anh no bụng, cho anh chỗ ở, lắng nghe tâm sự của anh và đặt lòng tin vào anh. Đó là tất cả những gì anh cần ở họ trên con đường của mình. Và họ rất tuyệt vời”.

Nhóm Xã hội – “Người bạn tốt” trong 6 nhóm Holland

Hướng nghiệp cho con thuộc nhóm Xã hội

Trong phần trên “Hãy cảm thông cho những đứa con sáng tạo” tôi đã giới thiệu đến quý cha mẹ nhóm “Nghệ thuật”, một nhóm ngành nghề không được ưa chuộng lắm tại Việt Nam vì gia đình sợ các em sẽ không có được một vị trí tốt trong xã hội nếu theo đuổi nhóm ngành này.

Ở phần này, tôi xin đặc biệt chia sẻ về một nhóm ngành nghề khác mà các bậc cha mẹ cũng lo lắng không kém khi con họ diễn đạt ước muốn theo đuổi. Đó là nhóm ngành Xã hội, bao gồm những công việc liên quan đến giúp đỡ – giúp đỡ con người, động vật, môi trường v.v. Đó là những công việc trong ngành tư vấn, giáo dục, xã hội v.v.

Tôi mong bài viết này sẽ mở ra nhiều nút thắt của quý cha mẹ và các em, để mọi người yên tâm hơn trong chọn lựa của bản thân mình. Vì sự thật là nếu chúng ta muốn thế giới trở nên tốt đẹp hơn, chúng ta rất cần những người có sở thích và khả năng trong nhóm ngành nghề Xã hội được khuyến khích đi theo thiên hướng của họ.

Nhóm Xã hội –  họ là ai?

Theo học thuyết Holland, nhóm người thuộc nhóm Xã hội có những đặc điểm như sau:

  • Họ thích giúp đỡ người khác. Tất cả những điều họ làm đều hướng về một mục tiêu ”làm cho người xung quanh mình hạnh phúc”. Và ”người xung quanh” ở đây bao gồm người thân trong gia đình, họ hàng xa, hàng xóm, bạn bè trong lớp, bạn bè ngoài lớp, và cả người lạ trên đường họ chưa bao giờ gặp gỡ.
  • Họ có khả năng hiểu người khác rất tốt. Họ rất nhạy trong việc cảm được niềm vui, nỗi buồn của người xung quanh.
  • Họ dễ bị ảnh hưởng bởi cảm xúc của người khác, do đó, họ thường muốn giúp người khác vui lên vì lúc đó bản thân họ cũng sẽ hạnh phúc hơn.
  • Họ có khả năng về ngôn ngữ; họ diễn đạt tốt ý tưởng của mình; họ có thể truyền đạt kiến thức và giải thích thông tin phức tạp cho người khác một cách dễ dàng.
  • Họ có khả năng lắng nghe người khác một cách kiên nhẫn, và rất nhiều khi bạn bè, người quen tìm đến họ chỉ để tâm sự với họ.

Từ rất nhỏ, các bạn trẻ có sở thích nghề nghiệp thuộc nhóm Xã hội đã cho thấy các đặc điểm của nhóm này qua những biểu hiện sau: nhạy cảm, hay chăm sóc người khác, lo sợ người khác buồn, chiều lòng cha mẹ và bạn bè hơn chiều ý thích của bản thân, lắng nghe tốt, thích các hoạt động công tác xã hội, dễ mủi lòng khi xem phim hay đọc truyện cảm động.

Nhóm bạn trẻ này thông thường học rất tốt các môn xã hội như Văn, Sử, Địa, và cũng có khiếu trong việc học ngoại ngữ. Họ có thể cũng học rất tốt các môn khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa dù không thích những môn này lắm vì chiều lòng ba mẹ, (cũng có khi vì họ cũng có năng khiếu ở nhóm này).

Các em thuộc nhóm này khổ sở nhất trong 6 nhóm Sở thích nghề nghiệp Holland trên vì đặc điểm không muốn làm ba mẹ buồn. Vì đặc điểm ấy, họ thường giấu những sở thích và khả năng thật của mình từ khi rất sớm khi ”cảm” được rằng ba mẹ có những mong muốn và hướng dẫn nghề nghiệp rất khác với mong đợi tự nhiên của bản thân.

Họ cũng là nhóm bị ba mẹ than phiền nhiều nhất vì, ”Sao cháu nó đồng ý với tôi là sẽ học ”ABC” mà khi học rồi thì lại học không giỏi và nói là không thích hợp. Sao cháu không nói với tôi từ sớm hơn?”

Và câu mà các em nhóm Xã hội hay tâm sự với tôi trong phòng tư vấn hướng nghiệp cá nhân là, ”Ba me luôn nói con được tự do chọn, nhưng sau đó ba mẹ luôn muốn hướng con theo điều ba mẹ muốn, và con không biết sao mà mình không phản đối hay từ chối ba mẹ được, cô ạ”.

Nếu quý cha mẹ nghĩ rằng con mình thuộc nhóm này, điều tốt nhất mà anh chị có thể làm là nói: ”Con nên tìm hiểu và chọn ngành nào làm cho con vui vẻ, hạnh phúc, và thành công nhất. Miễn là con thành công và vui vẻ, thì ba mẹ cũng sẽ hạnh phúc. Con phải làm điều tốt nhất cho con, vì đó có nghĩa rằng con đang làm điều tốt nhất cho ba mẹ đó”. Và anh chị phải nói câu này lặp đi lặp lại suốt thời gian con trưởng thành. Khi con thật sự tin điều đó, con sẽ làm được như vậy.

Xin nói thêm là như tất cả những nhóm Holland khác, người thuộc nhóm Xã hội vẫn có thể thuộc về những nhóm khác trong năm nhóm còn lại, và đặc điểm của nhóm còn lại này sẽ ảnh hưởng đến khả năng và sở thích của họ. Nhưng chính yếu thì ngành đào tạo và nghề nghiệp họ phù hợp phải có những đặc điểm ‘giúp đỡ người và vật khác, tạo sự khác biệt trong cộng đồng, mang làm niềm vui cho người khác, làm việc với con người, lắng nghe cảm xúc và nâng đỡ người khác, truyền đạt kiến thức cho người khác v.v.’

Nỗi lo ”Đừng học vì sẽ nghèo”

Trong suốt tám năm công tác trong lĩnh vực hướng nghiệp, tôi gặp rất nhiều các bạn trẻ thuộc nhóm ngành Xã hội. Họ hay tâm sự với tôi rằng họ quyết định học Kinh tế, dù biết trái ngành, để kiếm tiền lo cho gia đình và bản thân. Một ngày nào đó khi họ có đủ tiền rồi, họ sẽ ngưng làm kinh tế và quay sang làm việc thiện, đi làm tình nguyện viên, đi giúp đỡ người khác. Rất nhiều cha mẹ cũng khuyên con cái như vậy. Và điều này rất có lý vì những lý do sau:

  • Thực tế của những năm 80 và 90 ở Việt Nam cho thấy nhóm ngành xã hội (giáo viên, chuyên viên tư vấn, cán sự xã hội, hộ lý, y tá, v.v.) không có thu nhập cao, gần như không đủ lo cho bản thân và gia đình.
  • Công việc của nhóm ngành xã hội rất vất vả, áp lực về tinh thần cao, giờ giấc có khi không ổn định.

Vì vậy, tôi hoàn toàn không ngạc nhiên khi cha mẹ và các em quyết định không theo nhóm ngành Xã hội dù bản thân rất yêu thích. Và rất nhiều khi, người theo nhóm ngành này chỉ vì đó là chọn lựa cuối cùng của họ chứ không phải vì họ thật lòng yêu thích hay có năng khiếu.

Hãy tưởng tượng điều này đáng buồn ra sao nếu như anh chị phát hiện ra rằng thầy cô dạy con mình, hộ lý trong bệnh viện, chuyên viên tư vấn tâm lý, đã không chọn lựa nghề nghiệp của họ vì sự yêu thích hay khả năng tự nhiên, mà vì đó là chọn lựa cuối cùng của họ.

Vậy các ngành xã hội có tương lai hay không?

Để trả lời câu hỏi này tôi sẽ giới thiệu học thuyết Maslow đến quý cha mẹ. Trong học thuyết này, Maslow nói rằng khi ‘con người thỏa mãn được những nhu cầu căn bản của cuộc sống, họ sẽ có những mong muốn về tinh thần’.

Điều này chúng ta có thể thấy dễ dàng trong sự phát triển của xã hội Việt Nam từ những năm 80 đến nay. Ngày xưa, mối quan tâm hàng đầu là đủ ăn, đủ mặc, công việc ổn định. Ngày nay, mối quan tâm hàng đầu là chất lượng cuộc sống, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, sức khỏe tinh thần (tâm lý), sức khỏe thể chất qua việc ăn uống đúng cách và tập thể thao đầy đủ, v.v.

Điều này có nghĩa rằng ngày nay và trong tương lai gần, nhóm ngành Xã hội tại Việt Nam đang được đòi hỏi nhiều hơn trong thị trường lao động, dẫn tới việc các em có thể có thu nhập không thua những nhóm ngành khác nếu như các em:

  • Học đúng năng khiếu và sở thích của mình. Bên trong nhóm ngành Xã hội có rất nhiều ngành nhỏ hơn. Do đó, càng trải nghiệm và tìm hiểu sớm, các em sẽ càng biết sớm chọn lựa nào phù hợp cho bản thân.
  • Trau dồi kiến thức chuyên môn thật tốt.
  • Xây dựng những kỹ năng tuyển dụng thật tốt, bao gồm khả năng ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo, khả năng hiểu rõ bản thân, kiến thức căn bản của ngành thương mại như marketing, tài chính, và kế toán.
  • Tạo được mạng lưới chuyên nghiệp tốt, nơi mọi người biết khả năng của các em và nơi các em có thể kết nối với những người chung chuyên ngành có nhiều năm kinh nghiệm hơn.

Thêm nữa, những bạn trẻ học ngành thuộc nhóm Xã hội, khi trau dồi được những kỹ năng kể trên, sẽ không khó khăn gì nếu muốn đầu quân và các lĩnh vực khác như quảng cáo, marketing, du lịch, nhà hàng & khách sạn, dịch vụ khách hàng, cố vấn cấp cao, v.v.

Và cuối cùng là nếu các em chọn những công việc truyền thống của nhóm ngành Xã hội, giả sử rằng sẽ có thu nhập thấp hơn nhóm ngành Kinh 20-30%, thì vẫn còn những món quà tinh thần mà người trong ngành này nhận được sẽ đủ cho phần vật chất bị mất đi.

Tháp nhu cầu Maslow
Tháp nhu cầu Maslow

Nuôi dưỡng theo sở thích và khả năng tự nhiên

Tôi luôn tin, và nghiên cứu cũng cho thấy rằng, xã hội có chỗ cho mỗi người chúng ta nếu chúng ta hiểu rõ bản thân, phát triển điểm mạnh tự nhiên của mình, làm việc nhóm để người khác bổ sung yếu điểm của mình, luôn học hỏi để tiến về phía trước, cập nhật kiến thức về thị trường lao động để không dậm chân tại chỗ. Để kết bài viết này, tôi mong quý cha mẹ:

  • Giúp các em thuộc nhóm Xã hội nuôi dưỡng ưu điểm tự nhiên từ sớm bằng cách để chúng sinh hoạt xã hội, làm công tác cộng đồng (mà ta hay gọi là ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng), tham gia hoạt động từ thiện, chăm sóc thú nuôi, v.v.
  • Lắng nghe và trò chuyện cùng các em để chúng đủ tự tin làm những việc bản thân yêu thích hơn là làm vì sợ người khác mất lòng.
  • Hỗ trợ các em tìm hiểu, nghiên cứu, đọc sách, xem phim, để hiểu hơn về lĩnh vực các em thích và những nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực ấy trong thị trường lao động hiện tại. Cập nhật thông tin thường xuyên, thảo luận cùng các em để các em thực tiễn trong sở thích của mình.
  • Giúp các em hiểu điều quan trọng trong lĩnh vực ”giúp người” là các em phải biết giúp đỡ bản thân trước, phải mạnh khỏe, phải đủ tiền lo cho mình và gia đình trước. Do đó, các em phải rất thực tế, nhìn rõ bức tranh tài chính, hiểu rõ mình đang làm quyết định gì thay vì mù mờ tiến về phía trước như ở trên mây, ”Con không cần tiền”. Sẽ rất tốt cho nhóm Xã hội nếu họ có kiến thức căn bản về thương mại bên cạnh chuyên ngành của họ.
  • Khuyến khích các em xây dựng kỹ năng sống và những kỹ năng mà bất cứ một công dân chuyên nghiệp nào cũng cần trong môi trường làm việc hiện đại, bao gồm kỹ năng giao tiếp với người lạ, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng dùng một ngoại ngữ ngoài tiếng Việt, kỹ năng suy nghĩ tư duy, kỹ năng dùng các thiết bị công nghệ thông tin một cách cân bằng cho cuộc sống, kỹ năng quản lý tài chính của bản thân và gia đình, v.v.

Lời ngỏ

Vì quý cha mẹ ơi, xã hội chúng ta đang ở sẽ đẹp hơn nếu nhóm bạn trẻ Xã hội được tự do phát triển và thăng hoa trong lĩnh vực họ yêu thích và giỏi tự nhiên. Chúng ta sẽ ra sao nếu không ai được khuyến khích theo nghề giảng dạy, nếu không có những người chữa lành vết thương tâm lý, nếu không có những hộ lý, y tá đau lòng vì bệnh nhân họ, nếu không có những người xuất sắc trong ngành chăm sóc khách hàng.

Thay vì sợ con cái chúng ta nghèo, hãy cùng chúng tìm cách phát triển toàn diện để chúng vừa có thể làm điều chúng giỏi, thỏa mãn sở thích, vừa có thể lo được tài chính cho bản thân và gia đình.

Những người con của đất: Hướng nghiệp cho các bạn trẻ nhóm Kỹ thuật

Hướng nghiệp cho các bạn trẻ nhóm Kỹ thuật

Khi nghĩ đến những bạn trẻ có sở thích nghề nghiệp thuộc nhóm Kỹ thuật, tôi hay nghĩ đến hình ảnh của thiên nhiên, tính lành của đất, sự mát rượi của cây, và đặc điểm mạnh mẽ của động vật. Nếu không hiểu rõ họ, người thuộc nhóm Kỹ thuật có bề ngoài trầm lặng, dường như không khéo trong giao tiếp, dễ bị ăn hiếp, ít nổi bật trong học hành, chỉ giỏi những việc liên quan đến lao động chân tay.

Định kiến mà người có các đặc tính của nhóm Kỹ thuật thường phải đối mặt là họ không thông minh, chỉ có thể đi theo con đường học nghề, và nếu là con gái thì càng tệ hơn nữa, thiếu nữ tính để có một cuộc hôn nhân tốt.

Trong bài viết hôm nay, tôi hy vọng có thể mở ra một cái nhìn mới về những bạn trẻ thuộc nhóm này, giúp các em hiểu hơn về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, giúp gia đình tôn trọng và nuôi dưỡng các em theo tự nhiên để phát triển tốt trong nghề nghiệp phù hợp không phân biệt giới tính.

Nhóm Kỹ thuật – Họ là ai?

  • Khi còn nhỏ, trẻ con thuộc nhóm này rất thích các trò chơi vận động, không sợ dơ khi nghịch đất, cát, nước, đá cuội, v.v. Các em học thể thao nhanh, khả năng phối hợp tay mắt tốt, sử dụng các dụng cụ trong nhà rất dễ dàng (như búa, kềm, kéo, dao, v.v.)
  • Khi vào tuổi đi học, các em thích những môn học có thực hành nhiều, không thích những môn nào có nhiều lý thuyết và phải học thuộc lòng. Các em thích những hoạt động có tương tác với vật dụng, máy móc, cây cối, động vật, hơn là với con người. Các em dễ thấy mệt khi phải nói chuyện và xã giao nhiều.
  • Các em học rất nhanh khi có người đứng cầm tay chỉ việc, và sau đó sẽ sáng tạo ra cách làm tốt hơn cả thầy. Nhưng nếu đưa một cuốn sách và bắt các em đọc để làm theo hướng dẫn, các em sẽ nản ngay.
  • Điểm yếu của các em là không thích và không giỏi diễn đạt cảm xúc hay ý tưởng của bản thân bằng ngôn từ. Các em ghét phải nói nhiều và ghét phải giải thích dài dòng. Vì vậy, các em dễ bị hiểu lầm hay có khi thua thiệt vì không chịu đấu tranh. Các em cũng dễ mất kiên nhẫn và cục tính khi người khác không hiểu mình, gây ra sự xa lánh của người xung quanh.
  • Điểm mạnh là các em khá kiên định khi đã xác định một điều gì đó. Các em cũng là những người bạn tuy ít nói những rất trung thành, là những người yêu vững chãi, ít đổi thay, là những người con hiếu thảo diễn đạt tình cảm qua hành động hơn lời nói.

Những người thuộc nhóm Kỹ thuật phù hợp với các ngành học và công việc nào?

Vì những đặc điểm đã nhắc đến ở trên, những em nào có khả năng và sở thích tự nhiên thuộc nhóm Kỹ thuật nên tìm những chương trình đào tạo nào có tính ứng dụng cao, nơi mà các em học xong lý thuyết thì phải được thực hành ngay. Nơi mà các em có thể liên kết ngay những gì học từ trong sách với những gì đang xảy ra ngoài đời.

Các em sẽ hợp với các ngành học như vận hành, vận chuyển, nông nghiệp, lâm nghiệp, khoa học máy tính & công nghệ thông tin, xây dựng & bảo trì, thủ công, chế tạo & quy trình sản xuất.

Khi bước chân vào thị trường lao động, các em thường sẽ thoải mái khi làm những công việc nào phải tiếp xúc với các công cụ, dụng cụ, thiết bị cơ khí hoặc điện. Các em cũng thích các hoạt động bao gồm thiết kế, xây dựng, sửa chữa máy móc và chăn nuôi cây trồng/vật nuôi. Nói chung là các hoạt động chủ yếu liên quan đến làm việc với sự vật (thay vì làm việc với con người) sẽ mang lại sự dễ chịu và tự tin hơn cho các em.

Định kiến về giới tính

Bản thân người viết đang muốn nhưng vẫn chưa tìm ra một từ ngữ nào phù hợp hơn ‘Kỹ thuật’ vì khi nghe đến chữ này, bản thân các em hay cha mẹ đều lập tức nghĩ rằng con gái thì không nên thuộc nhóm này, hoặc nếu có thì cũng nên tránh không tiếp tục phát triển theo tự nhiên.

Trong văn hóa Việt Nam, các em nữ dễ bị xem là quá nhiều nam tính khi bộc lộ những đặc điểm của nhóm này từ nhỏ. Khi lớn các em cũng thường bị cha mẹ khuyên phải ‘nữ tính’ hơn để chuẩn bị cho vai trò làm vợ, làm mẹ. Nếu vượt qua được định kiến và nỗi lo này, các em nữ sẽ phát triển tốt trong nhóm nghề nghiệp này không kém các bạn nam với điều kiện là phải hiểu rõ thị trường lao động và cơ hội nghề nghiệp có liên quan đến giới tính để chuẩn bị từ lúc còn ở trong chương trình đào tạo.

Nhóm Kỹ thuật - 6 nhóm Sở thích nghề nghiệp Holland
Nhóm Kỹ thuật – 6 nhóm Sở thích nghề nghiệp Holland

Kết

Rất ít trường hợp một bạn trẻ chỉ có đặc điểm của một nhóm nào đó. Do đó, các em và cha mẹ nên quan sát kỹ để biết bạn trẻ ngoài nhóm Kỹ thuật ra còn đặc điểm của nhóm nào nữa không. Sự kết hợp giữa hai hay ba nhóm mới cho thấy một bức tranh toàn cảnh hơn về sở thích và khả năng tự nhiên của các em.

Vì điểm yếu của các em là thiếu khả năng diễn đạt cảm xúc và tư tưởng của mình, các em nên tập từng chút một nói ra cảm xúc và ý nghĩ của bản thân với người thân và bạn bè. Có thể tập viết ra rồi sau đó nói ra. Từ từ, các em sẽ thấy thoải mái và tự tin hơn để giao tiếp với người khác vì dù có làm ở môi trường nào thì khả năng giao tiếp với con người cũng rất cần thiết.

Cho những người không thuộc nhóm này, hiểu về họ cũng sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong việc tương tác, cộng tác, và sống cùng với họ.

Những người thông thái – Hướng nghiệp cho các bạn thuộc nhóm Nghiên cứu

Hướng nghiệp cho các bạn trẻ nhóm Nghiên cứu

Trong dân gian Việt Nam có câu nói, ‘Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe’, rất phù hợp với những người thuộc nhóm Nghiên cứu. Họ là những người nếu chưa biết rõ điều gì thì chẳng bao giờ lên tiếng, nhưng khi đã phát biểu ý kiến thì có nghĩa là họ đã đọc rất sâu, tìm hiểu rất kỹ, và biết rất rõ về đề tài ấy.

Bài viết này chia sẻ các đặc tính chung của những người thuộc nhóm Nghiên cứu, cùng những điểm mạnh và điểm yếu đi kèm, để các bạn trẻ và quý cha mẹ tham khảo trong cuộc hành trình hướng nghiệp của các em.

Nhóm Nghiên cứu – Họ là ai?

Từ khi còn rất nhỏ, trẻ con thuộc nhóm này đã thích các hoạt động đòi hỏi việc quan sát, tìm tòi, học hỏi về thế giới xung quanh, từ hiện tượng vật lý, sinh học cho đến văn hóa xã hội. Các bé thích đặt những câu hỏi, ‘tại sao, vì đâu, như thế nào, v.v.’ trong những cuộc chuyện trò với cha mẹ.

Những câu hỏi đó có thể làm cha mẹ nhức đầu vì các bé sẽ không ngừng hỏi cho đến khi thật sự thỏa mãn với câu trả lời nhận được. Cuốn sách, ‘1000 câu hỏi vì sao’ sẽ là một món quà tuyệt diệu cho các bé nhóm Nghiên cứu và dĩ nhiên cho cả cha mẹ của họ nữa vì đỡ phải vò đầu bức tóc tìm câu trả lời cho những câu hỏi hóc búa của con mình.

Vào tuổi đi học, các em thích học những môn học thuộc khối khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Sinh hay những môn học thuộc khối khoa học xã hội như Văn, Sử, Địa.  Các em thích học và học giỏi cho nên dễ dàng nổi bật trong lớp, được thầy cô thương mến và bạn bè nể phục.

Các em học lý thuyết rất nhanh, không ngại tìm tòi những tài liệu bên ngoài lớp học, do đó, các em sẽ rất khó chịu nếu thầy cô giảng dạy mình không hiểu sâu đề tài họ dạy. Nói ngắn gọn, các em chỉ phục những người học sâu hiểu rộng.

Điểm mạnh của các em là khả năng học hỏi từ sách vở; các em có khả năng học sâu và học cao một lĩnh vực yêu thích. Các em thường được bạn bè nể phục vì kiến thức, sự nổi trội trong học hành, và khả năng phân tích. Khi bạn bè cần giải quyết vấn đề, các em rất giỏi trong việc giúp họ phân tích, suy xét mọi khía cạnh trước khi ra quyết định tốt nhất. Các em thường làm cha mẹ yên lòng vì luôn là học sinh giỏi và vì sự nghiêm túc trong cuộc sống thường ngày.

Điểm yếu của các bạn trẻ nhóm Nghiên cứu liên quan đến tính cách không thích thuyết phục người khác, không ưa nắm vai trò lãnh đạo và không thích xã giao.  Các em không kiên nhẫn giao tiếp với những ai không có khả năng trí tuệ ngang với mình; do đó, dễ bị xem là người cao ngạo bởi bạn bè cùng tuổi.

Các em thích làm việc một mình và ghét phải thuyết phục người khác, dẫn đến việc nhiều khi có ý tưởng rất hay nhưng không được thực hiện. Vì không thích xã giao, các em có khi rất cô đơn vì ít bạn.

Cuối cùng, vì sở thích học hỏi và hay suy nghĩ, nếu không cân bằng cuộc sống bằng các hoạt động vận động hay các cuộc đi chơi với bạn bè, các em dễ rơi vào tình trạng căng thẳng hoặc rất cô đơn.

Những người thuộc nhóm Nghiên cứu phù hợp với các ngành học và công việc nào?

Vì những đặc điểm đã nhắc đến ở trên, những em nào có sở thích nghề nghiệp thuộc nhóm Nghiên cứu rất phù hợp với các chương trình đào tạo một trong hai lĩnh vực sau: khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội.

Trong khối khoa học tự nhiên, các em sẽ hợp với các ngành học liên quan đến Khoa học Tự nhiên & Công nghệ, Công nghệ Y khoa, Chẩn đoán Y khoa & Điều trị, và Khoa học Xã hội. Một số ngành học cụ thể bao gồm:

  • Kiến trúc, kỹ sư cơ khí, kỹ thuật viên trong các lĩnh vực khác nhau
  • Sinh vật học, công nghệ thực phẩm, địa chất học, vật lí học
  • Dinh dưỡng học, nhãn khoa, dược, nha khoa, y tá, thú y
  • Nhân chủng học, tội phạm học, khoa học chính trị, tâm lý học, tâm thần học, xã hội học, ngôn ngữ học [1]

Khi bước chân vào thị trường lao động, các em thường sẽ thoải mái khi làm những công việc nào phải tiếp xúc với sách vở, nghiên cứu, phòng thí nghiệm. Các em thích các ‘hoạt động ý tưởng’ liên quan đến quy trình suy nghĩ nội tại (intrapersonal) như chế tạo, khám phá, diễn giải, tổng hợp các trừu tượng hoặc triển khai ứng dụng các trừu tượng. Ví dụ: các nhà khoa học, nhạc sĩ và triết gia làm việc chủ yếu với những ý tưởng.

Ảnh hưởng giới tính

Ở các nước phát triển như Mỹ, Úc, và các nước Châu Âu, luôn có những quỹ học bổng đặc biệt để khuyến khích các em gái theo ngành học và nghề nghiệp thuộc nhóm Nghiên cứu. Lý do là vì một số lớn nghiên cứu cho thấy sau cấp 2, các nữ sinh từ từ mất đi tự tin là mình sẽ học tốt những ngành học thuộc nhóm này và khi bước chân vào thị trường lao động, các em cũng sẽ ít có cơ hội thăng tiến hơn những bạn nam cùng lứa.

Trong thời gian làm việc trong lĩnh vực hướng nghiệp tại Việt Nam trong 9 năm qua. Các em nữ thuộc nhóm này thường tâm sự rằng cha mẹ hay khuyên họ chuyển qua học các ngành kinh tế như tài chính – ngân hàng (cũng là các ngành đòi hỏi khả năng thuộc nhóm Nghiên cứu khác cao) vì lý do con gái học ngành công nghệ – y – tâm lý – xã hội sẽ cực. Gia đình cũng lo các em sau khi lập gia đình, trong vai trò làm mẹ, làm vợ cũng sẽ khó cân bằng được đời sống của bản thân.

Trong khi đó, các anh chị ở vai trò quản lý và lãnh đạo của các công ty đa quốc gia thuộc nhóm ngành Nghiên cứu như Bosch, Schindler, Intel, lại rất mong chờ để tuyển dụng nữ nhân viên. Các anh chị cho biết nữ nhân viên trong nhóm ngành này có những khả năng mà nam giới thiếu như làm việc nhóm, sự uyển chuyển và linh hoạt trong gỉai quyết vấn đề, cách nhìn và tiếp cận vấn đề khác đi, v.v.

Hướng nghiệp cho nhóm Nghiên Cứu
Nhóm Nghiên Cứu – Những nhà thông thái cần mẫn

Kết

Rất ít trường hợp một bạn trẻ chỉ có đặc điểm của một nhóm nào đó. Do đó, các em và cha mẹ nên quan sát kỹ để biết bạn trẻ ngoài nhóm Nghiên cứu ra còn đặc điểm của nhóm nào nữa không. Sự kết hợp giữa hai hay ba nhóm mới cho thấy một bức tranh toàn cảnh hơn về sở thích và khả năng tự nhiên của các em.

Vì điểm yếu của các em là không thích giao tiếp, thích suy nghĩ, và có khi trở nên cực đoan khi đã tin vào điều gì đó, nên cha mẹ có thể giúp các em bằng cách từ nhỏ khuyến khích các em tham gia các hoạt động ngoài trời, chơi thể thao hay tập thể hình, hoặc học những môn học trong nhóm ngành sáng tạo như vẽ, hát, nhạc, nhảy, viết, v.v. để giúp cho trí não được thả lỏng.

Hy vọng các em có sở thích nghề nghiệp thuộc nhóm Nghiên cứu và quý cha mẹ có con thuộc nhóm này hiểu rõ bản thân và con mình hơn qua bài viết này. Chúc các em và quý cha mẹ tìm ra câu trả lời hướng nghiệp phù hợp nhất.

0944.363.848
icons8-exercise-96 chat-active-icon